27/03/2024
Đến nay, Sóc Trăng đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, tuy nhiên diện tích lúa đông xuân muộn nằm ngoài kế hoạch của địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có chuyến khảo sát, kiểm tra tình hình hạn mặn tại huyện Kế Sách, Long Phú, Trần Đề. Đây là những địa phương nằm trong vùng lõi đang chịu ảnh hưởng do xâm nhập mặn.
Thống kê của ngành chuyên môn, đến thời điểm này nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các địa phương vẫn đảm bảo. Bà con đang tranh thủ nồng độ mặn giảm để lấy nước tích trữ vào đồng ruộng, mương vườn.
Nằm ven sông Hậu, huyện Kế Sách có điều kiện tự nhiên phù hợp sản xuất 3 vụ lúa/năm và trồng cây ăn trái. Bắt đầu từ cuối tháng 12/2023, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập vào địa bàn. Đến nay, địa phương đã ghi nhận 4 đợt xâm nhập mặn với độ mặn cao nhất tại vàm Nhơn Mỹ là 6,7‰.
Nhờ đẩy nhanh tiến độ, xuống giống sớm vụ đông xuân muộn theo lịch khuyến cáo. Bên cạnh đó, địa phương tổ chức các nhóm đo mặn, hỗ trợ thiết bị đo mặn cho tất cả các xã, thị trấn. Lập nhóm zalo theo dõi diễn biến mặn, hướng dẫn các biện pháp canh tác trong điều kiện hạn mặn trên lúa và cây ăn trái.
Từ đó, theo nhận định của Phòng NN-PTNT huyện Kế Sách, trên địa bàn chưa có biểu hiện thiệt hại do hạn, mặn. Tuy nhiên khu vực ấp Cây Sộp, Bồ Đề thuộc vùng cuối nguồn, nước mặn không thoát ra được có nguy cơ sẽ bị ảnh hưởng khoảng 30ha lúa.
Riêng đối với trà lúa đông xuân muộn, diện tích xuống giống nằm ngoài kế hoạch trong toàn tỉnh trên 9.400 ha. Tập trung tại các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và TP Sóc Trăng. Phần lớn lúa đang trong giai đoạn đòng và trổ chín. Dự kiến sẽ thu hoạch tập trung từ ngày 10 - 20/4 và kết thúc thu hoạch trong tháng 5.
Thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, đến thời điểm này, diện tích lúa bị khô hạn, thiếu nước do mặn xâm nhập ghi nhận khoảng 1.400ha, chủ yếu tại các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh của huyện Long Phú và Trần Đề. Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng thiệt hại dưới 30% chiếm trên 906ha; từ 30 - 70% là gần 459ha và diện tích ảnh hưởng trên 70% gần 39ha.
Trước thực trạng này, ông Trần Văn Lâu yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh trong giai đoạn mẫn cảm này và về lâu dài cần xác định tài nguyên nước rất quý giá.
“Tỉnh Sóc Trăng xác định nông nghiệp vẫn là trụ cột, kinh tế chính của tỉnh đến năm 2030. Do đó, ngành nông nghiệp phải tính đến những phương án lâu dài đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Tuyên truyền cho người dân nhận thức về giá trị của tài nguyên nước”, Chủ tịch Lâu nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Lâu chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh kiểm tra lại hệ thống thông tin liên lạc để tuyên truyền đến người dân tiết kiệm nước. Trong đó, khuyến khích nông dân thiết kế, ứng dụng hệ thống tưới tiêu tự động. Bởi đây là mô hình đã chứng minh được hiệu quả cao từ các đợt hạn mặn vừa qua.
Ngoài ra, rà soát lại hệ thống các cống, những cống nào cần duy tu, sửa chữa để trữ nước ngọt phải có phương án thực hiện ngay. Trước mắt, về phía các huyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ngành chuyên môn khảo sát lại hệ thống kênh mương, đảm bảo nạo vét thông thoáng để trữ nước ngọt. Nhất là vận động người dân cùng tham gia chuẩn bị tích trữ nước ngọt trong ao hồ phục vụ cho tưới tiêu. Bên cạnh đó, quan trắc, đo độ mặn thường xuyên để kịp thời thông báo cho người dân lấy nước vào dự trữ ngay khi độ mặn giảm xuống mức phù hợp.
Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh phân công cán bộ trực 24/24 đo độ mặn, khi có nước ngọt, tiến hành mở cống để lấy nước phục vụ sản xuất.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ động bố trí cán bộ huyện và nhân viên tại các xã nắm diễn biến xâm nhập mặn và hướng dẫn bà con nông dân các giải pháp kỹ thuật để hạn chế ảnh hưởng đến cây lúa.
Thời điểm này, khi phát hiện cây lúa có biểu hiện ngộ độc mặn như chóp lá bị cháy, khô đọt non, chết cây… bà con phải tiến hành bón vôi (CaO) với lượng thích hợp, giữ nước 2 - 3 ngày, sau đó rút cạn nước trong ruộng và tiến hành đưa nước ngọt vào.
Kim Anh
Nguồn: nongnghiep.vn