Ngày 14/8, Sở NN-PTNT Ninh Thuận tổ chức hội nghị chuyên đề triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình hình chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, thực hiện kế hoạch nhân rộng mô hình hình chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và quyết định của UBND tỉnh về chương trình, kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm giai đoạn 2022 – 2025 gắn với liên kết doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của nhân dân theo từng vụ/năm tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, năm 2020, tỉnh Ninh Thuận thực hiện chuyển đổi thí điểm tại huyện Ninh Phước và TP Phan Rang – Tháp Chàm với quy mô diện tích đạt 2.980ha, vượt 197% so với chỉ tiêu kế hoạch giao (1.002ha).
Đến năm 2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 3.420ha, đạt 94,5% so với kế hoạch và năm 2022 được 3.246ha, đạt 91,5% so với kế hoạch. Năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 2.704ha, đạt 69,3% so với kế hoạch.
Ông Đặng Kim Cương đánh giá, sau khi chuyển đổi sang 2 vụ lúa/năm và đưa một số giống lúa xác nhận chất lượng cao như OM5451, An sinh 1399, Đài Thơm 8, TH6, TH41, ML202... vào sản xuất, năng suất đều cao hơn từ 4 - 11%, giảm chi phí từ 3 - 11% so với sản xuất 3 vụ lúa/năm.
Tổng lợi nhuận bình quân trong 4 năm (2020 - 2023) của sản xuất lúa 3 vụ lúa/năm cao hơn 2 vụ/năm là 3,05 triệu đồng/ha/năm. Riêng năm 2021 lợi nhuận sản xuất lúa 3 vụ lúa/năm thấp hơn sản xuất lúa 2 vụ lúa/năm là 2,13 triệu đồng. Tuy nhiên với việc thực hiện chuyển đổi sản xuất lúa 3 vụ sang 2 vụ/năm, đã giúp nông dân giảm lượng phân bón, thuốc BVTV sử dụng trong cùng một đơn vị diện tích, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người dân. Hơn nữa việc ngừng sản xuất lúa 1 vụ trong năm đã giúp đất có thời gian nghỉ, phục hồi độ phì nhiêu, tăng "sức khỏe" sau chu kỳ sản xuất liên tục.
Bên cạnh đó, việc sản xuất 2 vụ lúa/năm đã tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện một số liên kết sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm. Tiêu biểu như Tổ hợp tác sản xuất lúa Hiệp Kiết và Hợp tác xã Công Hải thực hiện liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam sản xuất lúa giống tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc với diện tích 127ha, sản lượng đạt trên 890 tấn/vụ. Công ty thu mua lúa giống với giá 9.000đ/kg - cao hơn giá thị trường tại thời điểm 500đ/kg, nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất từ 8 - 15%, hiệu quả tăng từ 20 – 35% so với sản xuất lúa đại trà.
Với sản xuất lúa thương phẩm, đã thực hiện được 3 liên kết giữa Hợp tác xã Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Bàu Trúc, Hợp tác xã Bình Quý, Hợp tác xã Phú Quý với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố với diện tích 365ha, sản lượng đạt trên 2.550 tấn/vụ. Công ty thu mua lúa cho các hợp tác xã với giá cao hơn thị trường tại thời điểm thu mua từ 50 - 200 đồng/kg, nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất từ 5 - 10%, hiệu quả tăng từ 20 – 30% so với sản xuất lúa 3 vụ/năm.
Trước hiệu quả trên, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước đối với một tỉnh khô hạn, phát huy hiệu quả của các công trình thủy lợi, tăng giá trị trên cùng một diện tích canh tác, đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, Sở NN-PTNT Ninh Thuận kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát để điều chỉnh diện tích chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm theo quyết định của UBND tỉnh và công tác chuyển đổi cây trồng các năm 2024 và 2025 phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hiệu quả.
Đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục thực hiện kế hoạch nhân rộng mô hình chuyển đổi sản xuất có hiệu quả gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm cho nhân dân. Ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cũng như có cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp hợp tác đầu tư trong nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ cấp nước tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.
Đối với các địa phương, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đề nghị chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các phòng, đơn vị chức năng thuộc Sở NN-PTNT để triển khai tổ chức sản xuất đạt hiệu quả.
Đối với Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh, tiếp tục kế hoạch cấp nước từ nay đến cuối năm 2024 và 2025 để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp theo từng thời điểm. Đồng thời, nạo vét các kênh mương, gia cố các bờ đập, khơi thông dòng chảy, đảm bảo điều tiết nước nhanh và kịp thời cho sản xuất, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng. Quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo cung cấp nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi.
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương hướng dẫn thực hiện gieo trồng “1 phải 5 giảm”, đó là phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm giống, thuốc BVTV, phân bón, nước tưới (tiết kiệm nước) và giảm thất thoát sau thu hoạch. Đồng thời, tăng cường công tác dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng và hướng dẫn nông dân thực hiện kịp thời...
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, đến năm 2025, diện tích sản xuất vụ 2 vụ lúa/năm trên toàn tỉnh khoảng 6.285ha tại địa bàn các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
Theo nongnghiep.vn