Đắk Lắk: Giá xoài rớt thảm, tìm đỏ mắt không thấy người mua, ngồi bán lẻ 20 tấn bao giờ mới hết

Hàng trăm ha xoài của người dân huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đang vào vụ thu hoạch. Thế nhưng nếu những năm trước, thương lái tự vào vườn hái thì nay chẳng thấy người mua.

Giá rớt thê thảm, dân "ngồi trên đống lửa"

Chị Huỳnh Thị Hương (xã Ea Lê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) có 4ha xoài. Những năm trước, với năng suất bình quân 5 tấn/ha, vườn xoài này của chị Hương có doanh thu từ 350-400 triệu đồng/vụ. Thế nhưng năm nay, 20 tấn xoài của chị Hương nếu bán hết chỉ được chừng 50 triệu đồng.

Đắk Lắk: Xoài rớt giá thê thảm, tìm đỏ mắt không thấy người mua - Ảnh 1.

Hàng trăm ha xoài tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đang bước vào vụ thu hoạch nhưng không có người mua. Ảnh: Duy Hậu.

"Năm ngoái, mỗi ký xoài bán được từ 18.000- 19.000 đồng. Năm nay, xoài chỉ còn 2.500 đồng/kg. Nếu bán được hết với giá như hiện nay, gia đình tôi phải bù lỗ hơn 30 triệu đồng. Hơn 20 năm trồng xoài, tôi chưa bao giờ thấy giá rớt thấp như thế"- chị Hương nói.

Ông Lê Thôi (thôn 8, xã Ea Lê) cũng đang hết sức lo lắng vì giá xoài rớt mạnh. Bởi với ông Thôi, vườn xoài là nguồn thu chính của gia đình.

Đắk Lắk: Xoài rớt giá thê thảm, tìm đỏ mắt không thấy người mua - Ảnh 2.

Xoài chín đỏ cây nhưng không tìm được người mua, người dân tiếc của lựa những quả ngon mang ra chợ bán lẻ. Ảnh: Duy Hậu.

"Những năm trước, vườn xoài của tôi cho thu ít nhất 200 triệu đồng. Năm nay, tới thời điểm này chỉ mới bán được 1,5 triệu đồng. Nhiều khả năng, sau vụ này tôi sẽ phải chặt bỏ để trồng cây khác"- ông Thôi nói.

Đáng chú ý, gia đình ông Trần Hữu Lợi (thôn 6, xã Cư M'Lan, huyện Ea Súp) trồng đến 30ha xoài. Với việc trồng chuyên canh trên diện tích lớn, ông Lợi đang lâm vào cảnh thua lỗ thê thảm khi giá xoài rớt mạnh.

Thương lái mua xoài biệt tăm

Ông Lợi nói: "Những năm trước, khi xoài vào vụ thương lái tấp nập vào vườn thu mua. Họ cho người vào hái rồi cân lên tính tiền, gia đình thậm chí không cần đụng tay vào. Thế nhưng năm nay, xoài đã rẻ lại không có ai mua. Từ bữa đến giờ, tôi cố gắng để kết nối thương lái để hi vọng vớt vát lại ít vốn đầu tư".

Đắk Lắk: Xoài rớt giá thê thảm, tìm đỏ mắt không thấy người mua - Ảnh 3.

Ông Lê Thôi đang như "ngồi trên đống lửa" khi vườn xoài không bán được. Ảnh: Duy Hậu.

Cũng như ông Lợi, ông Lê Thôi cũng "ngồi trên đống lửa". Vụ xoài đang thu rộ, thế mà chẳng ai đến thu mua. "Đầu vụ đến giờ, tôi chỉ mới bán lẻ được vài chục ký thu về chưa đến 2 triệu đồng. Trong khi đó, tiền phân bón đầu tư đã hết 20 triệu đồng. Nhiều khoản chi phí khác, gia đình tôi cũng trông vào vườn xoài này"- ông Thôi nói.

 

Không chỉ ông Lợi, ông Thôi mà hầu hết người trồng xoài tại Ea Súp đang như "ngồi trên đống lửa". Mỗi ha xoài có năng suất hàng chục tấn, nếu phải ngồi bán lẻ thì chẳng biết đến bao giờ mới hết. Nhưng thương lái không mua, họ cũng chỉ còn cách đó.

"Vì chẳng ai mua nên gia đình đành phải cố mang ra chợ bán lẻ. Nhưng 20 tấn xoài, nếu bán bằng cách này thì chẳng biết đến bao giờ mới xong. Mà nếu không bán, xoài chín rụng hết thì coi như gia đình tôi trắng tay"- chị Hương nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Ea Súp hiện có 560ha xoài. Nhiều năm nay, vùng "chảo lửa" này cây xoài phát triển khá tốt. Do đó người dân đầu tư trồng khá nhiều. Với năng suất bình quân 25 tấn/ha, mỗi năm Ea Súp có khoảng 14 ngàn tấn xoài.

Nếu những năm trước, với giá trên dưới 20 ngàn đồng/kg, loại trái cây này đã giúp cho nhiều gia đình có cuộc sống ổn định. Theo tính toán của nông dân, nếu mỗi ký xoài bán được hơn 5.000 đồng thì họ mới bắt đầu có lãi.

Nói về nguyên nhân xoài ế ẩm, ông Trần Doãn Sáng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp cho biết, những năm qua, người dân trồng xoài tự phát, thiếu sự liên kết nên giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường.

"Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền vận động các hộ trồng xoài để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất ổn định. Đại diện là các hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Huyện đề nghị sở nông nghiệp tiếp tục có những chương trình hỗ trợ liên kết theo chuỗi, xây dựng các chuỗi sản xuất ổn định hỗ trợ cho huyện. Đề nghị tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư nhất là các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm có thể hướng đến xuất khẩu lâu dài, ổn định"- ông Sáng nói.

Nguồn: https://danviet.vn/dak-lak-gia-xoai-rot-tham-nong-dan-nhu-ngoi-tren-dong-lua-2022050910001436.htm


Tin tức khác

‘Hạt ngọc’ Việt ‘ôm’ về 4 tỷ USD, nhiều đơn hàng rất lớn ở Đông Nam Á

‘Hạt ngọc’ Việt ‘ôm’ về 4 tỷ USD, nhiều đơn hàng rất lớn ở Đông Nam Á

19/09/2024 - ‘Hạt ngọc’ của Việt Nam đang rất đắt khách ở các quốc gia Đông Nam Á, doanh nghiệp ký được những đơn hàng xuất khẩu rất lớn. Nhờ đó, nước ta đã thu về hơn 4 tỷ USD.
Ninh Thuận - Chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm để tăng sức khỏe đất

Ninh Thuận - Chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm để tăng sức khỏe đất

Không chỉ cho năng suất cao, giảm nhiều chi phí mà việc chuyển đổi từ 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm còn giúp đất nghỉ, phục hồi độ phì nhiêu.
Trung Quốc làm sầu riêng nhiều năm thất bại, Việt Nam xuất khẩu thu loạt kỷ lục

Trung Quốc làm sầu riêng nhiều năm thất bại, Việt Nam xuất khẩu thu loạt kỷ lục

Người Trung Quốc cuồng ăn sầu riêng nhưng trồng nhiều năm vẫn thất bại. Việt Nam thành công xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này giúp nông dân trồng loại cây “1 vốn 5 lời” thu loạt kỷ lục.
Xuất khẩu sầu riêng dự kiến khoảng trên 3 tỷ USD

Xuất khẩu sầu riêng dự kiến khoảng trên 3 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 của Việt Nam dự kiến khoảng trên 3 tỷ USD; riêng 6 tháng đầu năm giá trị đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 40%.