ĐỂ ĐẠI NGÀN TÂY NGUYÊN TRỞ NÊN VĂN MINH, GIÀU CÓ

Những ưu ái về khí hậu mà thiên nhiên dành cho mảnh đất đỏ bazan Tây Nguyên đã trở thành những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển, đặc biệt là nông nghiệp. Các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đánh giá, hiếm nơi nào ở khu vực châu Á có được điều kiện thuận lợi như ở đây. Tiềm năng, lợi thế chính là nền tảng vững chắc để mảnh đất Tây Nguyên bừng tỉnh, nhưng cần phải làm gì để đánh thức, phát huy?

Trăn trở và nhiều khát vọng với nông nghiệp ở Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: Nếu những tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên được thúc đẩy một cách toàn diện, chắc chắn khu vực này không còn nghèo khó như hiện nay mà sẽ trở thành một vùng đất giàu có, văn minh.

Thưa Thứ trưởng, nhìn dưới góc độ của ngành nông nghiệp, tiềm năng, lợi thế và vai trò của khu vực Tây Nguyên được thể hiện như thế nào?

Trong tổng thể ngành nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên nói chung, từng địa phương lại có một đặc thù riêng, nhưng trước tiên cần phải khẳng định Tây Nguyên là khu vực có địa kinh tế, địa chính trị và quốc phòng an ninh đặc biệt quan trọng đối với đất nước.

Với diện tích đất đai khoảng 5,45 triệu ha, trong đó đất nông nghiệp là trên 5 triệu ha (chiếm 91,7%), 1,3 triệu ha diện tích đất đỏ bazan là những lợi thế rất lớn để Tây Nguyên phát triển nông nghiệp.

Kết cấu hạ tầng khu vực có 3 sân bay, trong đó có 1 sân bay quốc tế, có đường giao thông thuận tiện lên miền Trung, xuống Đông Nam bộ và ra các tỉnh ven biển là lợi thế thứ 2 để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển.

Bên cạnh đó, Tây Nguyên là khu vực có truyền thống văn hóa về rừng, không gian văn hóa cồng chiêng với 47 dân tộc và 5,9 triệu người, chiếm 4,4% tổng dân số cả nước cũng là những lợi thế so sánh rất lớn để phát triển nông nghiệp.

Đặc biệt với diện tích đất đỏ bazan rất lớn giúp Tây Nguyên có thể phát triển những cây công nghiệp, cây ăn quả... Những năm gần đây, với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ NN-PTNT phối hợp với các tỉnh và đã mang lại những kết quả bước đầu rất tích cực. Đồng thời, dưới tán rừng, chúng ta có thể làm dịch vụ, trồng cây dược liệu với giá trị cao.

Trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới đây sẽ có Đề án phát triển sâm Việt Nam. Các tỉnh Tây Nguyên đều có lợi thế và hiện nay đã có một số doanh nghiệp đã xúc tiến đầu tư vào trồng dược liệu dưới tán rừng.

Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng là một lợi thế của Tây Nguyên với đàn trâu bò khoảng 1 triệu con, 1,7 triệu con lợn và 22 triệu con gia cầm. Đây cũng là vùng có thể phát triển chăn nuôi với tỉ suất hàng hóa lớn theo một chuỗi khép kín.

Tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên là rất rõ, tuy nhiên có một thực tế là bấy lâu nay ở đây vẫn chưa có nhiều người nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp. Đó có phải là tồn tại mà Chính phủ và Bộ NN-PTNT quyết tâm tháo gỡ, giúp nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững, thưa Thứ trưởng?

Tuy hạ tầng của Tây Nguyên đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân năm 2020 mới chỉ đạt 33,8 triệu đồng/người, chỉ bằng 66% của cả nước, số hộ nghèo của khu vực vẫn còn chiếm tới 11%. 18.300 hộ dân di cư tự do, cùng với đó vùng sâu vùng xa của đồng bào chiếm tỉ lệ tương đối lớn nên việc triển khai những chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước còn nhiều hạn chế.

Ví dụ như nguồn lực, nguồn nhân lực. Đây là những hạn chế, yếu kém chúng ta cần khắc phục bằng những giải pháp mang tính đồng bộ từ cả hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế mới có thể thức dậy Tây Nguyên với lợi thế rất lớn về diện tích đất, điều kiện phát triển hệ sinh thái, phát triển du lịch, đặc biệt là nét văn hóa cồng chiêng, văn hóa đại ngàn kết hợp với làng bản.

Trong nhiều năm qua, những tiềm năng, lợi thế này chưa được khai thác hết. Cần phải được thúc đẩy một cách toàn diện, để Tây Nguyên sẽ không còn nghèo khó như hiện nay mà trở thành một vùng đất giàu có, văn minh.

Nói đến Tây Nguyên, chúng ta hay nói đến những cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu… Phải chăng chúng ta nên nhìn nhận và tiếp cận nông nghiệp Tây Nguyên trên diện rộng hơn?

Với những lợi thế của Tây Nguyên, hiện nay môi trường đầu tư còn rất hạn chế. Gần đây, với sự tác động của Bộ NN-PTNT, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về “Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” để tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Trước đây Tây Nguyên đã phát triển trồng cây cao su, hồ tiêu, ca cao, cà phê… nhưng việc triển khai thực hiện chỉ mang tính công đoạn chứ không liên kết thành một chuỗi. Giờ đây, với tiềm lực tài chính, đội ngũ quản lý, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp sẽ triển khai theo chuỗi từ cây, con giống, quy trình canh tác, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến vận chuyển, sơ chế, chế biến và xúc tiến thương mại.

Đó là việc không thể làm khác trong thời kỳ Việt Nam đang hội nhập với kinh tế thế giới một cách sâu rộng. Chỉ có vậy mới tạo được những giá trị gia tăng lớn, đúng với tinh thần về tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần được tái cơ cấu theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Trước đây sản xuất nông nghiệp chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng hiện nay, ngoài nhu cầu trong nước phải đáp ứng được nhu cầu về xuất khẩu.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt 12,82 tỷ USD, tăng 15,3%; nhập khẩu nông sản đạt 9,79 tỷ USD, giảm 3,5%; xuất siêu đạt 3,05 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm 2021.

Những quy hoạch trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành là căn cứ pháp lý để sắp tới có thể phát triển những cây công nghiệp, dược liệu dưới tán rừng cũng như nhiều loại hình cây trồng khác gắn với du lịch nông nghiệp. Với tất cả những giải pháp, đặc biệt là tạo điều kiện đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, chúng ta sẽ có một Tây Nguyên với diện mạo mới, hoàn toàn có tiềm năng phát triển trong những năm tới.

Thưa Thứ trưởng, để nông nghiệp Tây Nguyên thực sự cất cánh, phát triển bền vững và hòa hợp với thiên nhiên, văn hóa của con người nơi đây, Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng như địa phương, doanh nghiệp, người dân cần triển khai những hướng đi, biện pháp như thế nào?

Đầu tiên, cần phải nói đến tầm quan trọng của công tác quy hoạch. Đó chính là căn cứ để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển trong giai đoạn tới. Chúng ta cần phải tổng kết, đánh giá lại những mô hình đã triển khai trước đây, qua đó định hướng một cách chắc chắn, có căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn việc tái cơ cấu đối với từng lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp…

Trong quy hoạch cần phải có quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch tỉnh phải dựa trên lợi thế so sánh. Từ quy hoạch đó, tiềm năng lợi thế của tỉnh là vấn đề cần phải được phát huy để tránh sự trùng lặp. Ví dụ như 13 tỉnh ĐBSCL, gần như các mô hình kinh tế và xúc tiến đầu tư giống nhau. Sự khác biệt sẽ là giá trị quan trọng để xây dựng thương hiệu và phát huy lợi thế.

Thứ hai, trong nhiều kỳ họp Quốc hội, các đại biểu của những tỉnh Tây Nguyên đều đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng nơi đây.

Cơ sở hạ tầng sẽ quyết định việc giao thương, cơ cấu sản xuất. Để xuống Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, ra Bắc Trung bộ, ra các tỉnh ven biển, cùng với hệ thống logistics, hạ tầng chính là cơ sở để phát triển, lưu thông hàng hóa.

Thứ ba, với tổng dân số 5,9 triệu người, số người được đào tạo trong độ tuổi lao động chỉ đạt 13%, Tây Nguyên cần tập trung những viện nghiên cứu, trường đại học, những doanh nghiệp lớn tập trung đầu tư, nâng cao công nghệ song hành với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ tư, cần phải có cơ chế chính sách riêng, có tính đặc thù và nguồn lực đầu tư cho 5 tỉnh Tây Nguyên để đáp ứng, khai mở tiềm năng sẵn có của nông nghiệp vùng đất đỏ bazan.

Ngày 28/4, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp tại Đăk Lăk. Thông qua hội nghị này, Bộ NN-PTNT mong muốn tạo sự đột phá, thu hút đầu tư vào nông nghiệp Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp tại Đăk Lăk với sự chuẩn bị kĩ lưỡng kể cả với các đại sứ, tham tán, doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… Hội nghị sẽ giúp tỉnh Đăk Lăk hiểu các doanh nghiệp cần gì, các doanh nghiệp sẽ cho địa phương biết lĩnh vực mà doanh nghiệp đầu tư. Tôi tin rằng Hội nghị sẽ có kết quả thành công.

Những lợi thế so sánh của Tây Nguyên sẽ được phát huy để phát triển nông nghiệp nói chung và từng ngành lĩnh vực nói riêng, đặc biệt là hướng phát triển theo chuỗi khép kín, xây dựng vùng nguyên liệu, hướng đến chế biến sâu, đi cùng xúc tiến thương mại.

Thông qua bước chuẩn bị cho Hội nghị, nhiều doanh nghiệp đang tìm hiểu, đưa ra những vấn đề vướng mắc để địa phương có sự giải đáp cũng như hướng dẫn. Doanh nghiệp chính là sức khỏe của ngành nông nghiệp, của nền kinh tế. Nếu không có môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, chúng ta sẽ không thể có nguồn lực để phát triển.

Trong các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị cũng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc giám sát đất nông lâm trường, đất lâm nghiệp đã được chỉ ra rất rõ. Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện để chuyển đất nông lâm trường về cho các địa phương hoặc cho các doanh nghiệp còn đang gặp vướng mắc. Do đó, với quy mô lớn như ở Tây Nguyên, đất lâm nghiệp còn là vấn đề tồn tại.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Tây Nguyên tới đây, các địa phương sẽ cùng với Bộ NN-PTNT có những kiến nghị tháo gỡ rào cản để thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp thuận lợi nhất, doanh nghiệp đầu tư một cách toàn diện đạt số lượng lớn nhất

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 
Nguyên Huân - Phạm Hiếu - Duy Học
 
Trọng Toàn
 
Tùng Đinh - CTV

Tin tức khác

‘Hạt ngọc’ Việt ‘ôm’ về 4 tỷ USD, nhiều đơn hàng rất lớn ở Đông Nam Á

‘Hạt ngọc’ Việt ‘ôm’ về 4 tỷ USD, nhiều đơn hàng rất lớn ở Đông Nam Á

19/09/2024 - ‘Hạt ngọc’ của Việt Nam đang rất đắt khách ở các quốc gia Đông Nam Á, doanh nghiệp ký được những đơn hàng xuất khẩu rất lớn. Nhờ đó, nước ta đã thu về hơn 4 tỷ USD.
Ninh Thuận - Chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm để tăng sức khỏe đất

Ninh Thuận - Chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm để tăng sức khỏe đất

Không chỉ cho năng suất cao, giảm nhiều chi phí mà việc chuyển đổi từ 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm còn giúp đất nghỉ, phục hồi độ phì nhiêu.
Trung Quốc làm sầu riêng nhiều năm thất bại, Việt Nam xuất khẩu thu loạt kỷ lục

Trung Quốc làm sầu riêng nhiều năm thất bại, Việt Nam xuất khẩu thu loạt kỷ lục

Người Trung Quốc cuồng ăn sầu riêng nhưng trồng nhiều năm vẫn thất bại. Việt Nam thành công xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này giúp nông dân trồng loại cây “1 vốn 5 lời” thu loạt kỷ lục.
Xuất khẩu sầu riêng dự kiến khoảng trên 3 tỷ USD

Xuất khẩu sầu riêng dự kiến khoảng trên 3 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 của Việt Nam dự kiến khoảng trên 3 tỷ USD; riêng 6 tháng đầu năm giá trị đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 40%.