Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL: Thích ứng linh hoạt với hạn mặn

 Chủ động nước ngọt đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp trong suốt mùa khô ở ĐBCSL

Chủ động nước ngọt đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp trong suốt mùa khô ở ĐBCSL

Tránh được thiệt hại 

Đợt hạn mặn năm 2019-2020, vùng chuyên canh sầu riêng chủ lực của huyện Cai Lậy (Tiền Giang) bị thiệt hại nặng nề, với khoảng 40% diện tích chết hoặc suy kiệt. Tuy nhiên, đợt hạn mặn năm 2022, nhiều vườn sầu riêng ở các xã Tam Bình, Ngũ Hiệp… (huyện Cai Lậy) vẫn xanh tốt, trĩu trái. Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình Đặng Văn Lâm cho biết, do chính quyền địa phương và người dân chủ động ứng phó từ xa và áp dụng nhiều biện pháp phòng chống hạn mặn phù hợp nên năm nay hầu như không có diện tích sầu riêng nào bị thiệt hại. Những vườn sầu riêng bị suy kiệt từ đợt hạn mặn 2019-2020, nay cũng đã cơ bản phục hồi, cho trái trở lại. 

Bà Hai Huệ (xã Tam Bình) bộc bạch: “Gia đình có 5 công sầu riêng đang cho trái. Theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, gia đình đã nạo vét các mương và đắp lại đập lấy nước để trữ nước ngọt đảm bảo tưới cây trong mùa hạn, phủ những lớp cỏ dưới gốc cây để giữ ẩm cho sầu riêng trong giai đoạn nắng nóng... Nhờ vậy, mùa khô năm nay, vườn sầu riêng vẫn cho trái bình thường, bán được giá”.

Cũng trong đợt hạn mặn năm 2019-2020, nông dân huyện Tân Trụ (Long An) chịu thiệt hại nặng nề khi lúa đông xuân đang giai đoạn làm đòng bị cạn nước, hoặc mặn tấn công làm lúa chết. Mùa khô năm nay, nhờ linh hoạt các giải pháp phòng chống hạn mặn nên lúa đông xuân của huyện trúng lớn, bán được giá, nông dân phấn khởi. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ Trịnh Phước Trung cho biết, nhờ các cống trên địa bàn huyện được đầu tư kiên cố đã tránh nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Đồng thời, có nguồn nước từ hệ thống Nhựt Tảo phục vụ sản xuất, nên 5.000ha lúa của huyện không bị ảnh hưởng và đạt năng suất cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm các giải pháp phòng chống hạn mặn. Đặc biệt, năm 2022 tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và các địa phương xây dựng kế hoạch, kịch bản để ứng phó với hạn mặn; hướng dẫn nông dân các giải pháp thích ứng nhằm bảo đảm năng suất và chất lượng cây trồng; tăng cường tích trữ nước ngọt; điều tiết vận hành các cống ngăn mặn hợp lý.

Để phát triển bền vững

Năm 2022, ở các địa phương phía Đông của tỉnh Tiền Giang như huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công đã chủ động cắt vụ lúa thu đông để “né” mặn; chuyển một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái, hoặc rau màu cần ít nguồn nước ngọt hơn.

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gò Công Đông, nói: “Ngoài cây lúa thì huyện có hơn 900ha cây ăn trái và hàng trăm hécta rau màu các loại, tất cả được bố trí thời vụ sản xuất phù hợp điều kiện nguồn nước. Vì vậy, đợt hạn mặn năm nay không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất”. 

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho hay, để chủ động phòng chống hạn mặn mùa khô 2021-2022, ngành nông nghiệp đã triển khai cắt vụ lúa thu đông tại các huyện phía Đông và triển khai gieo sạ sớm vụ lúa đông xuân. Phương án mà tỉnh đưa ra là ngăn mặn triệt để, sửa chữa kịp thời hệ thống cống đập nhằm đảm bảo ngăn mặn, tập trung giải phóng các chướng ngại vật ở các lòng kênh, vận động người dân trữ nước sản xuất và sinh hoạt, sử dụng tiết kiệm nước.

“Thực tế cho thấy, ở huyện cù lao Tân Phú Đông, trước đây vào mùa khô thì chính quyền và người dân vất vả lo nguồn nước ngọt cho sản xuất. Riêng năm 2022, mọi việc đơn giản hơn nhiều, chỉ cần đóng toàn bộ các cống ngăn mặn là ổn. Huyện đã chủ động chuyển các diện tích đất trồng lúa thường bị ảnh hưởng mặn sang trồng sả, trồng dừa… là các loại cây có khả năng chịu hạn tốt, mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao”, một lãnh đạo Sở NN-PTNT Tiền Giang chia sẻ. 

Còn theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải, cây sả cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa, lại không phải lo vấn đề nước vào mùa hạn mặn. Đây được xem là mô hình chuyển đổi phù hợp. 

Có thể nói, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến ĐBSCL và hạn mặn luôn đe dọa sản xuất nông nghiệp. Từ những tổn thất trước đây, cộng với kinh nghiệm tích lũy, giờ đây nhiều nông dân ĐBSCL đã chủ động thích nghi với hạn mặn bằng nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt, đảm bảo sản xuất hiệu quả và bền vững.

NGỌC PHÚC

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/san-xuat-nong-nghiep-o-dbscl-thich-ung-linh-hoat-voi-han-man-810707.html


Tin tức khác

‘Hạt ngọc’ Việt ‘ôm’ về 4 tỷ USD, nhiều đơn hàng rất lớn ở Đông Nam Á

‘Hạt ngọc’ Việt ‘ôm’ về 4 tỷ USD, nhiều đơn hàng rất lớn ở Đông Nam Á

19/09/2024 - ‘Hạt ngọc’ của Việt Nam đang rất đắt khách ở các quốc gia Đông Nam Á, doanh nghiệp ký được những đơn hàng xuất khẩu rất lớn. Nhờ đó, nước ta đã thu về hơn 4 tỷ USD.
Ninh Thuận - Chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm để tăng sức khỏe đất

Ninh Thuận - Chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm để tăng sức khỏe đất

Không chỉ cho năng suất cao, giảm nhiều chi phí mà việc chuyển đổi từ 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm còn giúp đất nghỉ, phục hồi độ phì nhiêu.
Trung Quốc làm sầu riêng nhiều năm thất bại, Việt Nam xuất khẩu thu loạt kỷ lục

Trung Quốc làm sầu riêng nhiều năm thất bại, Việt Nam xuất khẩu thu loạt kỷ lục

Người Trung Quốc cuồng ăn sầu riêng nhưng trồng nhiều năm vẫn thất bại. Việt Nam thành công xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này giúp nông dân trồng loại cây “1 vốn 5 lời” thu loạt kỷ lục.
Xuất khẩu sầu riêng dự kiến khoảng trên 3 tỷ USD

Xuất khẩu sầu riêng dự kiến khoảng trên 3 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 của Việt Nam dự kiến khoảng trên 3 tỷ USD; riêng 6 tháng đầu năm giá trị đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 40%.