Thiếu điều kiện ràng buộc trong liên kết thu mua lúa gạo

25/01/2024

SÓC TRĂNG - Khâu liên kết thu mua lúa gạo giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp thiếu những điều kiện ràng buộc, dẫn đến tình trạng bẻ kèo, bỏ cọc vẫn xảy ra mỗi vụ thu hoạch.

Cứ đến mỗi vụ thu hoạch lúa, câu chuyện bẻ kèo, bỏ cọc và chữ tín trong mối liên kết tiêu thụ giữa bà con nông dân, HTX và doanh nghiệp lại được nhắc tới. Nhất là trong vụ đông xuân 2023 – 2024 này, giá lúa liên tục chạm những mốc cao lịch sử, tình trạng trên lại càng được quan tâm hơn.

Vụ lúa đông xuân 2023 – 2024, tỉnh Sóc Trăng xuống giống đạt 171.000ha. Đến nay, gần 20.000ha đang trong giai đoạn thu hoạch, năng suất ước đạt trên 6 tấn/ha, sản lượng trên 109.000 tấn. Ảnh: Kim Anh.Vụ lúa đông xuân 2023 – 2024, tỉnh Sóc Trăng xuống giống đạt 171.000ha. Đến nay, gần 20.000ha đang trong giai đoạn thu hoạch, năng suất ước đạt trên 6 tấn/ha, sản lượng trên 109.000 tấn. Ảnh: Kim Anh.

 

Cánh đồng lúa hàng ngàn ha ở xã Long Đức (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) những ngày này đang vào vụ thu hoạch rộ. Bà con nông dân hầu hết đều ở ngoài đồng “canh chừng” máy cắt để cân lúa hoặc nếu máy có trục trặc gì cũng kịp xử lý.

Con đường bê tông nhỏ chạy dọc kênh Tám Lem hầu như kẹt cứng vì phải nhường đường cho máy cắt, xe chở lúa vô ra tấp nập.

Ông Phạm Hoàng Trân, xã viên HTX nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức) cho hay, vụ này gia đình ông sạ 3ha với giống lúa ST25. Năng suất trung bình vụ đông xuân 2023 – 2024 của gia đình ước đạt 6 – 6,5 tấn/ha. Ông Trân cũng đang liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa với mức giá 11.500 đồng/kg.

Những năm trước, thời điểm giá lúa chưa tăng cao, lợi thế khi liên kết với doanh nghiệp là bà con được hỗ trợ lúa giống và đến vụ thu hoạch giá thu mua cũng cao hơn thị trường khoảng 200 đồng/kg. Ngược lại, hiện nay mức giá thu mua lúa mà doanh nghiệp đưa ra lại bằng, thậm chí thấp hơn giá mà các “cò lúa” thu mua cho bà con bên ngoài HTX khoảng 250 đồng/kg.

Từ thực trạng đó, ông Trân cho biết, tình trạng bà con nông dân bẻ kèo, bán lúa cho thương lái rất nhiều. Về phía doanh nghiệp cũng chấp nhận để bà con trả lại tiền lúa giống, bán ra bên ngoài mà không có điều kiện ràng buộc.

Thực tế, theo nhiều bà con nông dân ở xã Long Đức, thương lái đưa ra rất nhiều mức giá khác nhau, có trường hợp lúa chỉ vừa trổ đã có thương lái tìm đến đặt cọc thu mua, kéo dài đến cuối vụ giá từ thấp đội lên cao dần.

 
Doanh nghiệp liên kết cho nhân sự và phương tiện xuống tận ruộng kiểm tra và vận chuyển về kho dự trữ. Ảnh: Kim Anh.Doanh nghiệp liên kết cho nhân sự và phương tiện xuống tận ruộng kiểm tra và vận chuyển về kho dự trữ. Ảnh: Kim Anh.

 

Trước đó, trong vụ thu đông 2023, thời điểm giá lúa gạo bắt đầu tăng cao, tình trạng thương lái đặt cọc thu mua lúa non trở thành câu chuyện đồng áng được tranh luận rất sôi nổi ở các địa phương vùng ĐBSCL.

Vụ đông xuân 2023 – 2024, toàn HTX nông nghiệp Hưng Lợi canh tác 609ha và đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp từ năm 2019.

Theo ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa sẽ đảm bảo mức giá ổn định cho bà con nông dân và cùng chia sẻ rủi ro. Trường hợp giá lúa lên quá cao, đôi bên cùng thương lượng, nếu sụt giảm, doanh nghiệp cũng có điều kiện về chế biến nên cũng “rước” cho bà con nông dân chút đỉnh. Do đó, dù giá lúa tăng cao bà con vẫn phải giữ vững chữ tín để làm ăn lâu dài.

Tuy nhiên, diện tích liên kết với doanh nghiệp của HTX hiện chưa đến 1/3 diện tích canh tác. Dựa trên nhu cầu, doanh nghiệp chỉ lấy đủ số lượng theo đơn hàng đã ký kết với đối tác. Phần lớn diện tích lúa còn lại bà con nông dân trong HTX vẫn phải bán lúa cho thương lái bên ngoài, kéo theo nhiều tâm lý "cân đo" về giá xuất hiện trong xã viên. Ban lãnh đạo HTX cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con và đảm bảo cung ứng đủ số lượng lúa cho doanh nghiệp như đã cam kết ban đầu.

Trúng mùa, trúng giá, bà con nông dân ở xã Long Đức, huyện Long Phú vô cùng phấn khởi, tất bật vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2023 – 2024. Ảnh: Kim Anh.Trúng mùa, trúng giá, bà con nông dân ở xã Long Đức, huyện Long Phú vô cùng phấn khởi, tất bật vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2023 – 2024. Ảnh: Kim Anh.

 

Huyện Long Phú hiện đã thu hoạch trên 6.000ha lúa đông xuân chính vụ, năng suất và giá bán được đánh giá cao nhất trong lịch sử trồng lúa của địa phương nên bà con nông dân rất phấn khởi. Những khu vực thu hoạch sớm lúa đông xuân, nhiều bà con nông dân trong huyện dự kiến cải tạo đất để tiếp tục xuống giống vụ lúa đông xuân muộn.

Ngành nông nghiệp huyện Long Phú khuyến cáo từ nay đến tháng 4, nước mặn có khả năng xâm nhập sâu, khả năng cung cấp nước ngọt phục vụ cho sản xuất lúa đông xuân muộn sẽ hạn chế. Do đó, từ những năm 2020 – 2021 đến nay, huyện Long Phú không khuyến khích nông dân sản xuất lúa 3 vụ bởi nguy cơ thiệt hại cao.

Út Nguyễn

Nguồn: nongnghiep.vn


Tin tức khác

Trung Quốc bao mua, một loại củ của Việt Nam nhắm mục tiêu thu 2 tỷ USD

Trung Quốc bao mua, một loại củ của Việt Nam nhắm mục tiêu thu 2 tỷ USD

26/04/2024 Trung Quốc bao mua, một loại củ của Việt Nam nhắm mục tiêu thu 2 tỷ USD
Gần 1 triệu đồng một ký cơm sầu riêng, chỉ nhà giàu Việt mới dám ăn

Gần 1 triệu đồng một ký cơm sầu riêng, chỉ nhà giàu Việt mới dám ăn

30/03/2024 Điều gì khiến cơm sầu riêng tại chợ Hà Nội vọt lên 850.000 đồng/kg trong khi loại trái cây này của nước ta có sản lượng lên tới hơn 1 triệu tấn mỗi năm?
EU chi gần 48 tỷ USD mua cà phê, Việt Nam thành nhà cung cấp lớn thứ hai

EU chi gần 48 tỷ USD mua cà phê, Việt Nam thành nhà cung cấp lớn thứ hai

08/04/2024 Thị trường EU sẽ bùng nổ khi dự tính chi gần 48 tỷ USD nhập khẩu cà phê trong năm 2024. Hiện Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai cho khối thị trường này.
1.400ha lúa đông xuân muộn ngoài kế hoạch bị nhiễm mặn

1.400ha lúa đông xuân muộn ngoài kế hoạch bị nhiễm mặn

Đến nay, Sóc Trăng đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, tuy nhiên diện tích lúa đông xuân muộn nằm ngoài kế hoạch của địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng.