Trồng lúa trên đất nuôi tôm, nhẹ chi phí, làm ra hạt gạo ngon, con tôm sạch, nông dân Cà Mau đua nhau làm

Trồng lúa trên đất nuôi tôm

Vụ mùa năm 2021, chỉ tiêu huyện giao cho xã Tân Lộc dự kiến sản lượng đạt 4.100 tấn. Kết quả địa phương đạt 5.700 tấn, lúa và tôm đều trúng mùa nên nông dân phấn khởi. Bên cạnh đó, giá lúa ổn định nên diện tích xuống giống năm nay dự kiến tăng rất nhiều.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Từ Đại Lạt cho hay, những năm trước, khi chuẩn bị vào vụ lúa trên đất nuôi tôm là cán bộ nông nghiệp đi vận động rất cực. 

"Mấy năm nay nhờ trúng mùa, trúng giá, bà con nhận thấy sự bền vững của cây lúa trên đất nuôi tôm nên đã tự nguyện xuống giống. Thậm chí còn đôn đốc địa phương đặt giống về để cung cấp cho bà con", ông Lộc phấn khởi nói.

Bình quân mỗi công lúa trên đất nuôi tôm, nông dân thu về hơn 40 giạ (1 giạ là 20kg). Giống lúa chất lượng, gạo chất lượng cao nên bà con rất ủng hộ.

Cũng theo ông Lạt, mỗi tuyến kinh xã cho thành lập một tổ hợp tác, tùy theo nhóm ngành nghề để tiện trao đổi chuyên môn. Ví dụ như tổ hợp tác lúa 2 vụ, tổ hợp tác lúa - tôm càng, tổ hợp tác lúa - tôm sú - cua; tổ hợp tác trồng rau màu -nuôi cá;…

Cà Mau: Nông dân tự giác trồng lúa trên đất nuôi tôm - Ảnh 2.

Lúa thơm - tôm sạch đang là mô hình hiệu quả được nhiều nông dân Thới Bình áp dụng. Ảnh: Nông dân thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm. Ảnh: Chúc Ly.

Theo đó bình quân mỗi tổ sẽ có diện tích khoảng 50ha, phân theo tuyến kênh, ô thủy lợi. Mỗi tổ có 1 nhóm Zalo riêng, cơ cấu mùa vụ sẽ đồng loạt sạ, lấy nước, thả tôm,…Dân rất đồng tình tham gia.

"Cái hay của việc làm này là công khai minh bạch trong sản xuất. Người dân nắm được nhà kia xả nước ra lúc nào, tôm bệnh khi nào để biết mà không lấy nước vào. Hoặc trao đổi về giá cả, chất lượng con giống để dễ bề lựa chọn nhà đầu tư phù hợp cho cả khu vực cánh đồng.

Cách làm ăn theo chuỗi liên kết sản xuất này dần đi vào nề nếp tại xã Tân Lộc. Và việc nông dân tự giác trồng lúa trên đất nuôi tôm cũng là kết quả từ nỗ lực đó", ông Lạt cho biết thêm.

Nhờ lúa tôm nông dân khá giả hẳn lên

Ông Nguyễn Tấn Võ - Bí thư chi bộ ấp 6, xã Tân Lộc, bộc bạch: "Trong rủi có may, những năm trước đến vụ mùa là thiếu lao động tại chỗ (từ công nhổ mạ đến công cấy, gặt,…), rồi dịch bệnh nên người dân hạn chế đi lao động. Vậy là lao động địa phương nhiều lên. Họ trồng rau màu, tăng gia sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, cắt tỉa hàng rào cây xanh. Và giờ đây khi vụ mùa đến thì khỏi lo thiếu lao động địa phương".

Cà Mau: Nông dân tự giác trồng lúa trên đất nuôi tôm - Ảnh 3.

Nông dân xã Tân Lộc xuống giống vụ lúa tôm năm 2022. Ảnh: Tâm Như.

Không khí vùng quê nông thôn dường như sôi động hẳn lên. Bà con trao đổi với nhau kinh nghiệm trong sản xuất, râm ran dự đoán tình hình tôm lúa năm nay và gieo sạ trên diện tích bao nhiêu,…Địa phương thì tăng cường vận động bà con tăng gia sản xuất; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn.

Đời sống của người dân cũng ngày một được nâng lên. Đơn cử như ở ấp 1, xã Tân Lộc có 230 hộ dân, nhưng có đến 80% hộ khá giàu. Còn 7 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo (theo chuẩn mới). Trong 7 hộ thì chỉ có 2 hộ thuộc diện cần bảo trợ xã hội, còn lại 5 hộ dự kiến sẽ hỗ trợ thoát nghèo trong năm nay.

Trưởng ấp 1 Từ Văn An bộc bạch: "Lúa trúng tự khắc người dân tìm đến mình. Lúc trước vận động vào THT, HTX rất khó, nay người ta thấy làm ăn hiệu quả nên tự nguyện tham gia".

Cà Mau: Nông dân tự giác trồng lúa trên đất nuôi tôm - Ảnh 4.

Những cánh đồng lúa trên đất nuôi tôm hứa hẹn một vụ mùa bội thu của bà con xã Tân Lộc. Ảnh: Tâm Như.

"Làm lúa tôm đúng hướng, bà con được mùa, yên tâm về giá cả hàng hóa thì khá lên mấy hồi. Nông dân thường băn khoăn về giá cả sản phẩm đầu ra, đầu vào; hiện nay đầu ra ổn định nên nông dân yên tâm. Trong khi đó, đầu vào có hơi tăng nhưng nhờ tham gia HTX, THT nên cũng chọn lựa được sản phẩm vừa tiết kiệm, vừa uy tín chất lượng nên nông dân cũng đỡ lo", ông An chia sẻ.

Lúa thơm tôm sạch là mô hình đang thịnh hành tại xã Tân Lộc, đồng thời cũng là mô hình chủ lực để nông dân xã vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, cho hay: "Nhờ lợi thế xã nằm dọc tuyến quốc lộ và có khu vực chợ cầu số 4 khá sung túc nên địa bàn có đến 666 hộ mua bán kinh doanh. Bên cạnh đó, xã có 300ha lúa 2 vụ. Số còn lại tăng cường trồng hoa màu các loại; rồi các mô hình được nhân rộng cũng khá đa dạng nên đời sống người dân được dần cải thiện".

Vụ mùa năm 2021, Tân lộc gieo sạ chủ yếu 2 loại giống ST24 và OM2517. Giá lúa trồng trên đất nuôi tôm ở mức khá cao, từ 7.600-7.700 đồng/kg (giống ST24); 5.400-5.600đồng/kg (giống OM2517). Vụ mùa năm nay chưa vào vụ nhưng đã có nhiều nông dân đến xã để hỏi đăng ký mua giống.

Tuy nhiên có nhiều thuận lợi, song lãnh đạo xã Tân Lộc cũng lo lắng vấn đề giá lúa giống khá cao, lại phải đặt hàng trước ở Sóc Trăng, nên chưa thể chủ động cho bà con sản xuất. Vì thế, ngay từ đầu vụ, xã khuyến cáo bà con muốn gieo sạ giống nào thì đăng ký thông qua xã để đặt hàng.

Trên từng cánh đồng lúa ở xã Tân Lộc hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Nông dân đang tích cực làm đất chuẩn bị xuống giống.

Trồng lúa trên đất nuôi tôm giúp cải tạo môi trường đất tốt, cả lúa và tôm tác động hỗ trợ lẫn nhau. Trồng lúa sau vụ tôm không những tạo được sản phẩm gạo chất lượng, an toàn mà còn cung cấp nguồn thức ăn phong phú cho con tôm. Trong khi đó, tôm được nuôi trong ruộng lúa thì lớn nhanh, ít bị bệnh và chất lượng vượt trội.

Nguồn: https://danviet.vn/trong-lua-tren-dat-nuoi-tom-nhe-chi-phi-lam-ra-gao-ngon-tom-sach-nong-dan-ca-mau-giau-len-20220504115036973.htm


Tin tức khác

Gần 1 triệu đồng một ký cơm sầu riêng, chỉ nhà giàu Việt mới dám ăn

Gần 1 triệu đồng một ký cơm sầu riêng, chỉ nhà giàu Việt mới dám ăn

30/03/2024 Điều gì khiến cơm sầu riêng tại chợ Hà Nội vọt lên 850.000 đồng/kg trong khi loại trái cây này của nước ta có sản lượng lên tới hơn 1 triệu tấn mỗi năm?
EU chi gần 48 tỷ USD mua cà phê, Việt Nam thành nhà cung cấp lớn thứ hai

EU chi gần 48 tỷ USD mua cà phê, Việt Nam thành nhà cung cấp lớn thứ hai

08/04/2024 Thị trường EU sẽ bùng nổ khi dự tính chi gần 48 tỷ USD nhập khẩu cà phê trong năm 2024. Hiện Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai cho khối thị trường này.
1.400ha lúa đông xuân muộn ngoài kế hoạch bị nhiễm mặn

1.400ha lúa đông xuân muộn ngoài kế hoạch bị nhiễm mặn

Đến nay, Sóc Trăng đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, tuy nhiên diện tích lúa đông xuân muộn nằm ngoài kế hoạch của địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Nhiều diện tích lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh

Nhiều diện tích lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh

Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết, từ đầu tháng 2 trên địa bàn tỉnh có 4.994ha lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh, chủ yếu gây hại trên trà lúa làm đòng đến chắc xanh