TS Trần Ngọc Thạch – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL trao đổi với báo Nông Nghiệp Việt Nam về tương lai của ngành hàng Lúa, gạo...
Viện Lúa ĐBSCL thực hiện trình diễn các giống lúa mới và tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa, chọn ra giống lúa mới có đặc tính vượt trội, bổ sung vào cơ cấu sản xuất trong vùng. Từ vụ Đông Xuân (2021-2022) Viện Lúa kiểm chứng các giống lúa mới triển vọng như thế nào?
Nhìn lại giai đoạn trước đây Viện Lúa nghiên cứu đưa ra rất nhiều giống lúa. Đến vụ lúa Đông Xuân (2021-2022), Viện đưa ra trồng thực nghiệm trên 30 giống lúa đã phổ biến và tổ chức tham quan, hội thảo. Qua đó giới thiệu một số giống lúa mới triển vọng.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua khi Luật Trồng trọt ban hành có những qui định mới hướng dẫn thực thi Pháp lệnh về giống cây trồng, trong đó có giống lúa, thì chương trình hoạt động nghiên cứu của Viện quan tâm đến nhóm giống có chất lượng cao nhiều hơn. Hiện Viện Lúa tập trung nghiên cứu, chia theo 4 nhóm giống lúa chất lượng khác nhau theo phân khúc thị trường như: Nhóm gạo siêu cao cấp, hạt trắng, dài, thơm chất lượng cao, nhóm giống chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, nhóm cao sản cho chất lượng trung bình có năng suất rất cao và nhóm đặc sản gồm các giống nếp, Japonica, nhóm gạo màu (dinh dưỡng)…
Kỳ vọng của Viện Lúa là trong mỗi nhóm, phân khúc về thời gian sinh trưởng khác nhau (như nhóm 90 ngày, nhóm trên dưới 100 ngày, nhóm trên 110 ngày). Còn các chỉ tiêu về chống chịu sâu bệnh là mặc nhiên, vì theo Luật Trồng trọt mới phải đảm bảo yêu cầu này. Cùng với sự ra đời giống lúa mới luôn có những giống lúa đối chứng kèm theo để so sánh. Vừa qua, trong nhóm phân khúc gạo cao cấp thơm đặc sản như giống lúa ST, Nàng Hoa 9. Nhóm giống lúa thường có OM5451, OM4900 và thêm giống mới OM18 được nông dân đưa vào canh tác trên diện rộng.
Những năm gần đây cho thấy sự phản hồi tích cực, vượt trội giống lúa mới OM18 của Viện Lúa. Về giá cả, hiện thời lúa OM18 được thu mua giá 6.000-6.200 đồng/kg trong khi OM5451 giá 5.600-5.800 đồng/kg. Đáng lưu ý qua cập nhật mới nhất về diện tích canh tác OM18 đã vượt trên 800.000 ha ở ĐBSCL và đang lan rộng một vài tỉnh Miền Đông và sang nước bạn Campuchia.
Hơn nữa, hiện thời việc chuyển giao giống đã thay đổi. Trước đây phổ biến giống mới thông qua các kênh của địa phương. Viện chuyển giao giống về địa phương nhận trồng, có giống tốt thích nghi diện tích trồng tăng nhanh. Sau đó một khi giống lúa mới tăng đạt đỉnh, có ý kiến địa phương thì mới được làm hồ sơ xin được công nhận sản xuất chính thức. Nhưng nay không thể làm như thế được, theo Luật Trồng trọt mới sẽ bị phạt. Nói như thế để thấy rằng nếu có giống mới cũng chưa thể đưa ra thị trường. Công tác chuyển giao đưa giống mới vào sản xuất đòi hỏi tuân thủ theo quy trình khắt khe. Giống mới trước khi đưa ra sản xuất phải được công nhận chính thức mới cho lưu hành.
Nếu phân tích về yếu điểm quyết định thành bại kinh tế nông nghiệp, ông có ý kiến gì trong việc xây dựng hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh giống?
Viện Lúa hiện đã đổi mới và có những hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn. Trước đây, Viện Lúa nghiên cứu đưa ra nhiều giống lúa nhưng nhận thấy tính lưu dụng trong thực tế chỉ chiếm trong tỷ lệ nào đó thôi. So với nay có khác, nhất là kinh phí đầu tư của Nhà nước vào nghiên cứu giống không còn nhiều như trước nữa. Thứ hai là sự đa dạng nguồn đầu tư ngoài ngân sách cũng khá lớn. Nhưng cho dù kết quả nghiên cứu đạt xuất sắc nhưng qua thực tiễn giống đó không tồn tại thì cũng không mang giá trị, ý nghĩa gì. Do đó hoạt động nghiên cứu của Viện cần lắng nghe từ thực tiễn.
Qua một thời gian làm việc với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, SX hạt giống và nông dân…Viện đã rút ra nhiều bài học từ thực tiễn. Đơn cử, lâu nay nghiên cứu giống lúa ít quan tâm nhiều đến tỷ lệ thu hồi gạo nguyên. Sau này kết quả nghiên cứu ghi nhận, bên cạnh các chỉ tiêu khoa học cần phải lưu ý đến chỉ tiêu thu hồi gạo. Vì nếu giống lúa nào đó có tỷ lệ thu hồi gạo thấp thương lái, nhà máy xay xát sẽ không thu mua, sợ lỗ.
Hiện nay trong chọn tạo giống có sự cạnh tranh quyết liệt. Trước đây hoạt động nghiên cứu giống lúa của Viện gần như “một mình một chợ” và cùng với một số đơn vị sự nghiệp khác như trường Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, Trung tâm Đồng Tháp Mười… Nhưng ngày nay đã có các doanh nghiệp mới như Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp Hồ Quang… tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu giống. Như vậy Viện Lúa phải luôn cập nhật, những yêu cầu mới từ thực tiễn để hoạt động nghiên cứu đạt kết quả tốt hơn.
Song đó, yêu cầu từ thị trường còn quan tâm đến tính đặc thù riêng của gạo, như tiêu chí giống lúa cho phẩm chất hạt gạo, hình dạng thẩm mỹ gạo phải trắng, trong hơn đòi hỏi nhà nghiên cứu chọn tạo giống phải ghi nhận, khắc phục yếu điểm.
Giống là khâu quan trọng đầu tiên trong quá trình canh tác, quyết định thành quả về mặt năng suất và chất lượng. Định hướng nghiên cứu giống lúa trong giai đoạn mới sẽ như thế nào?
Viện Lúa định hướng việc nghiên cứu chọn tạo giống gắn với thực tiễn, theo nhu cầu từng phân khúc thị trường. Trong thời gian qua Viện chưa quan tâm nhiều vào hệ thống canh tác và khai thác nội lực của Viện. Viện còn chủ yếu dựa vào đề tài dự án, kinh phí của Nhà nước. Tuy nhiên qua bài học kinh nghiệm từ doanh nghiệp Hồ Quang nghiên cứu lai tạo ra bộ giống lúa ST, Viện Lúa đã nhận ra cần phải thoát khỏi chính mình. Bằng cách xây dựng chương trình nghiên cứu riêng từ nguồn vốn tự có, dù không nhiều nhưng đảm bảo trong tất cả các phân khúc gạo phải có mặt giống lúa OM của Viện.
Vừa qua Viện Lúa đã đưa ra giống lúa thơm ngon OM8. Hoặc giống lúa DS1 (Japonica) phải đưa từ miền Bắc vào thì Viện đã có giống OM46 rất tốt, năng suất vượt trội… Viện đang xây dựng chiến lược, tuy đi sau nhưng cần biết tìm cách đón đầu trong từng phân khúc gạo, trong đó có tính đến cả thời gian sinh trưởng, phù hợp cho từng vùng…
Nghiên cứu giống đang chuyển sang giai đoạn mới. Tầm nhìn về tương lai ngành hàng lúa gạo Việt Nam rất khả quan. Nước ta có nguồn giống tốt, có công nghệ …đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, Như vậy cần tiếp tục cải thiện chất lượng, nâng cao phẩm chất hạt gạo, chất lượng dinh dưỡng và quan tâm nghiên cứu đặc tính kháng chống chịu sâu bệnh, tính thích nghi được các điều kiện bất lợi của thời tiết như khô hạn, phèn, mặn…
Ở ĐBSCL cây lúa có lợi thế cạnh tranh nhất so với các cây trồng khác. Năng suất lúa bình quân hiện đạt trên 6 tấn/ha, cao hơn mức bình quân các nước sản xuất lúa gạo như Thái Lan, Ấn Độ.. nên sức cạnh tranh về giá thành tốt nhất. Tuy nhiên tương lai ngành lúa gạo vẫn cần có sự định hình, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất. Khu vực nào có khả năng phát huy thâm canh, nơi nào phát triển luân canh hay quảng canh Lúa-Tôm để phát huy lợi thế, mạnh dạn cho chuyển đổi như vùng Bán đảo Cà Mau có điều kiện canh tác lúa hữu cơ...
Xin cảm ơn ông!
HỮU ĐỨC-MINH ĐẢM
Nguồn: https://nongnghiep.vn/vien-truong-vien-lua-dbscl-tuong-lai-nganh-lua-gao-rat-kha-quan-d321635.html