Xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh, đáng sống

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Với thế mạnh là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai đã và đang tiếp tục bám sát thực hiện chủ trương trên, nhất là mục tiêu xây dựng NTM hiện đại. Điểm nổi bật là thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM để hình thành nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

* Thành tích nổi bật

Tính đến giữa tháng 4-2022, cả nước có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn NTM, đạt hơn 69%; có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM; có 16 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 5 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

So sánh với mặt bằng chung cả nước, phong trào xây dựng NTM ở Đồng Nai đạt kết quả rất ấn tượng. Từ năm 2019, Đồng Nai đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM với 100% số xã, huyện đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 65/120 xã NTM nâng cao và 8 xã NTM kiểu mẫu, 9 khu dân cư kiểu mẫu. Với thành tích nổi bật trên, tỉnh tiếp tục đặt ra mục tiêu cao trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, đến cuối năm 2025, Đồng Nai đặt mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có ít nhất 5 huyện hoàn thành NTM nâng cao; 25% số xã hoàn thành NTM kiểu mẫu; đặc biệt, H.Xuân Lộc hoàn thành huyện NTM kiểu mẫu.

Đồng Nai quan tâm đầu tư lớn cho hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, khu vực nông thôn của tỉnh có sự đổi mới rõ nét; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ; hệ thống giao thông kết nối liên thông giữa các trung tâm; hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; điện đáp ứng thường xuyên cho nhu cầu sản xuất. Trong quá trình xây dựng NTM, nông dân đã phát huy được vai trò dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Họ cũng là người bảo quản, giữ gìn hệ thống đường sá, cơ sở vật chất ở nông thôn.

Xã Bảo Hòa là một trong những địa phương đi tiên phong của H.Xuân Lộc trong thực hiện thí điểm mô hình lắp hệ thống đèn chiếu sáng công cộng bằng năng lượng mặt trời. Từ mô hình thí điểm này, những tuyến đường xanh - sạch - đẹp được chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời không ngừng được nhân rộng trên địa bàn huyện cũng như các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Chi bộ ấp Hòa Bình (xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc) vui vẻ nói: “Nông thôn giờ không còn lạc hậu như xưa mà được đầu tư khang trang, hiện đại với nếp sống văn minh không thua gì các khu đô thị. Trong đó, nông dân không chỉ giỏi ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất mà còn không ngại ứng dụng những tiến bộ mới vào cuộc sống hằng ngày”.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho hay, giai đoạn 2008-2021, tổng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn của tỉnh trên 930 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn từ nguồn ngân sách chỉ chiếm 7,15%; còn lại là vốn từ nguồn tín dụng, vốn doanh nghiệp và người dân đầu tư. Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Quá trình xây dựng NTM đã thực sự huy động được tổng các nguồn lực, đặc biệt huy động vốn trong dân, tạo được sự đồng thuận của người dân.

* Đưa công nghệ ra đồng

Hiện đại hóa nông thôn được thực hiện trên nhiều phương diện, cả về kinh tế, xã hội, môi trường... Một nông thôn hiện đại phải có kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiếp cận các chuẩn mực đô thị; đời sống của người dân được nâng cao; môi trường lành mạnh, có khả năng chống chịu cao trước biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các biến động bất lợi khác…

Mục tiêu quan trọng nhất của hậu NTM của tỉnh là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Ở đây không chỉ đơn giản là vấn đề thu nhập mà chất lượng sống của nông dân được cải thiện về mọi mặt, nhất là trong ứng dụng khoa học - công nghệ vào cuộc sống và sản xuất để những vùng nông thôn không còn thiệt thòi vì lạc hậu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại H.Long Thành Nông dân xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) tự chế máy làm cỏ
Nông dân xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) tự chế máy làm cỏ

Trong giai đoạn thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, TP.Long Khánh triển khai mô hình thí điểm định danh cho cây trồng. Đây là Đề án Giải pháp lưu giữ, phát triển bền vững các giống cây ăn trái có chỉ dẫn địa lý của Long Khánh nhằm tạo tiền đề để chính quyền địa phương số hóa dữ liệu trồng trọt trên địa bàn. Mô hình này thu hút nhiều nông dân quan tâm.

Ông Lâm Phi Hùng, chủ vườn du lịch sinh thái Sáu Hùng (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) chia sẻ, nông dân quan tâm thực hiện thí điểm gắn mã QR trên cây trồng. Trong các mã QR này có thông tin chủ vườn, địa chỉ, số điện thoại, chủng loại giống và năng suất bình quân của mỗi loại cây, tọa độ, vị trí địa lý để định dạng, định vị cây trên Google Map... Việc định danh đến từng cây trồng cho phép người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, chất lượng nông sản, giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt việc trồng trọt tại địa phương. Định danh cây trồng còn giúp theo dõi lịch sử chăm sóc cây, cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất.

Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Nguyễn Văn Liệt cho biết: “Tôi rất tâm đắc với khẩu hiệu “Không để người dân phải đi xa” mà phải đưa khoa học - công nghệ đến tận nhà, ra tận cánh đồng. Ứng dụng công nghệ để bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp cho vùng nông thôn, trong đó sản xuất an toàn cũng cần được chú trọng”.

Từ năm 2021, Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp. Mục tiêu đặt ra về phát triển kinh tế số trong nông nghiệp là ưu tiên triển khai các chương trình phục vụ phát triển trên nền tảng công nghệ số trong ngành Nông nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu lớn về nông nghiệp nhằm phát huy công tác dự báo, phân tích, đánh giá, quản lý và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ 4.0 trong dự báo nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành, lĩnh vực nông nghiệp… Nghiên cứu mô hình nông nghiệp thông minh, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, trong quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi giá trị, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp...

Bình Nguyên

nguồn: http://baodongnai.com.vn/kinhte/202204/ky-niem-47-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2022-xay-dung-nong-thon-hien-dai-van-minh-dang-song-3113965/


Tin tức khác

Trung Quốc bao mua, một loại củ của Việt Nam nhắm mục tiêu thu 2 tỷ USD

Trung Quốc bao mua, một loại củ của Việt Nam nhắm mục tiêu thu 2 tỷ USD

26/04/2024 Trung Quốc bao mua, một loại củ của Việt Nam nhắm mục tiêu thu 2 tỷ USD
Gần 1 triệu đồng một ký cơm sầu riêng, chỉ nhà giàu Việt mới dám ăn

Gần 1 triệu đồng một ký cơm sầu riêng, chỉ nhà giàu Việt mới dám ăn

30/03/2024 Điều gì khiến cơm sầu riêng tại chợ Hà Nội vọt lên 850.000 đồng/kg trong khi loại trái cây này của nước ta có sản lượng lên tới hơn 1 triệu tấn mỗi năm?
EU chi gần 48 tỷ USD mua cà phê, Việt Nam thành nhà cung cấp lớn thứ hai

EU chi gần 48 tỷ USD mua cà phê, Việt Nam thành nhà cung cấp lớn thứ hai

08/04/2024 Thị trường EU sẽ bùng nổ khi dự tính chi gần 48 tỷ USD nhập khẩu cà phê trong năm 2024. Hiện Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai cho khối thị trường này.
1.400ha lúa đông xuân muộn ngoài kế hoạch bị nhiễm mặn

1.400ha lúa đông xuân muộn ngoài kế hoạch bị nhiễm mặn

Đến nay, Sóc Trăng đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, tuy nhiên diện tích lúa đông xuân muộn nằm ngoài kế hoạch của địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng.